Chiếm tới 84% tổng lượng gỗ tròn nhập khẩu từ EU trong 4 tháng đầu năm 2021 là gỗ tần bì, đạt 148,85 nghìn mét khối, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2020. Nhập khẩu gỗ phong tròn từ EU cũng tăng mạnh đến 947,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam mới đây cho biết theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực, mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu các mặt hàng nói chung và sản phẩm gỗ của Việt Nam nói riêng.
Không chỉ là đối tác lớn trong xuất khẩu gỗ của Việt Nam, ở chiều ngược lại, Châu Âu (EU) còn là nhà cung cấp nguyên liệu gỗ quan trọng cho Việt Nam.
Nguồn gỗ của EU có chất lượng tốt, nguồn gốc rõ ràng, nên EU được đánh giá sẽ ngày càng giữ vai trò quan trọng hơn về nguồn cung nguyên liệu cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến đồ gỗ, đồ gỗ nội thất.
Các doanh nghiệp Việt Nam được lợi từ nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu từ EU, nên lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ thị trường này ngày càng tăng do mức thuế suất bằng 0% theo Hiệp định EVFTA.
Về chủng loại gỗ nhập khẩu, tăng mạnh nhất là trong 4 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu 2 mặt hàng gỗ tròn và gỗ xẻ từ EU đều tăng so với cùng kỳ năm 2020.
Nhập khẩu ván bóc, lạng từ EU về Việt Nam cũng tăng mạnh. Trong đó, nhập khẩu gỗ tròn từ EU là 177,59 nghìn mét khối, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Chiếm tới 84% tổng lượng gỗ tròn nhập khẩu từ EU trong 4 tháng đầu năm 2021 là gỗ tần bì, đạt 148,85 nghìn mét khối, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Nhập khẩu gỗ phong tròn từ EU cũng tăng mạnh đến 947,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Nhập khẩu gỗ xẻ từ EU cũng đạt trên 130 nghìn mét khối, tăng 76,2% so với cùng kỳ năm 2020. Gỗ thông vẫn là loài gỗ xẻ được nhập khẩu nhiều nhất từ EU về Việt Nam, đạt 49,26 nghìn mét khối, tăng 104,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Cũng theo Trung tâm Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), trong 4 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ các thị trường chủ chốt thuộc EU đều tăng so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, thị trường Bỉ tăng 20,5%; thị trường Pháp tăng 45%; thị trường Đức tăng 17,5%; Phần Lan tăng 62,9%…
Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu đồ gỗ cho biết: Nhập khẩu gỗ từ EU về Việt Nam tăng do nhu cầu nguyên liệu sản xuất, các doanh nghiệp đang khẩn trương hoàn thiện đơn hàng để kịp tiến độ giao theo hợp đồng đã ký kết năm 2021.